Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/2, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ không để BĐS thiếu roon tín dụng và thống nhất lãi suất huy động để ổn định thị trường.
Doanh Nghiệp Kiến Nghị Cơ Cấu Nợ, Giảm Lãi Suất Cho Vay Bất Động Sản
Trình bày với phía lãnh đạo ngân hàng, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn đề xuất, cần xem xét nới room tín dụng, hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cụ thể, Tập đoàn Vinhomes đề nghị ngân hàng nhà nước (NHNN) điều chỉnh lãi suất vay vốn và duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường đối với các dự án đầy đủ pháp lý. Ngân hàng cũng cần bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho những nhà đầu tư lớn, dự án có đầy đủ pháp lý và giảm dần lãi suất nhằm hỗ trợ khả năng tài chính cho người mua và chủ đầu tư.
Thống nhất quan điểm trên, bà Đỗ Thị Phương Lan, Giám đốc phụ trách tư vấn tái cấu trúc (Tập đoàn Novaland) cho biết, trong quá trình tái cấu trúc, làm việc với các đối tác quốc tế, khó khăn lớn hiện nay là rủi ro hệ thống và rủi ro của toàn thị trường. Chứng khoán giảm rất mạnh, thị trường trái phiếu có biến động lớn về quy định pháp luật dẫn đến khó khăn nhất thời khiến niềm tin của nhà đầu tư bị khủng hoảng nghiêm trọng. Trước tình trạng này, NHNN cần xem xét cho các tập đoàn BĐS được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 2-3 năm. Ngoài ra, việc nới room cũng là điều cần thiết để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh, đồng thời qua đó gia tăng niềm tin ở các trái chủ để họ tiếp tục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đại diện Novaland, một trong những giải pháp để xử lý vướng mắc về nguồn vốn cho thị trường BĐS là tháo gỡ ách tắc pháp lý. Vướng pháp lý không chỉ làm khó doanh nghiệp mà còn khiến chính các ngân hàng thương mại quan ngại, phải đặt ra nhiều biện pháp phòng ngừa. Do đó, nếu giải được bài toán pháp lý, không chỉ gia tăng nguồn cung giúp hạ nhiệt giá nhà mà còn khơi thông nguồn vốn cho thị trường. Riêng với Novaland, bà Lan cho biết, do đặc thù tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, cần nguồn vốn lớn để đầu tư hạ tầng với thời gian thu hồi vốn dài hơi. Hiện nay, chính sách tín dụng đô thị quy mô hàng nghìn ha chưa rõ ràng, tạo sự mất cân đối giữa dòng vốn vào hạ tầng cần một thời gian dài để thu hồi vốn, rất khác với các dự án bất động sản riêng lẻ trong thành phố – nơi hạ tầng có sẵn. Vì vậy cần có một cơ chế tín dụng hướng dẫn chi tiết hơn về việc phát triển hạ tầng đô thị nơi vùng sâu, vùng xa. thay vì đánh đồng với các dự án bất động sản riêng lẻ tại các thành phố lớn.
Ngân Hàng Không Siết Mà Vẫn Đảm Bảo Tín Dụng Vào BĐS
Chia sẻ về tín dụng cho BĐS, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, ngân hàng không siết chặt tín dụng BĐS và ngành này vẫn được hỗ trợ vay vốn bình đẳng như các lĩnh vực khác. Tính đến cuối 2022, BĐS chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ với nền kinh tế, mức cao nhất trong 5 năm qua. Ngân hàng Nhà nước vẫn cấp tín dụng cho những dự án có phương án vay vốn khả thi theo đúng quy định, chỉ kiểm soát chặt chẽ với một số phân khúc có rủi ro cao như đầu cơ, kinh doanh phân khúc lớn có tính đầu cơ dẫn đến tình trạng bong bóng.
Nói về tình trạng người dân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, ông Đào Minh Tú cho biết, do tín dụng tăng trưởng đổ dồn vào hết 6 tháng đầu năm 2022, nhiều ngân hàng sử dụng hết hạn mức được cấp trong khi chưa được cấp thêm room mới khiến những tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp, người dân không thể tiếp cận vốn và nhấn mạnh là ngân hàng không siết vốn với thị trường nhà đất.
Liên quan tới vấn đề room tín dụng cho Bất Động Sản, Phó Thống đốc NHNN khẳng định không có quy định room riêng cho lĩnh vực ngành nghề, chỉ có room chung hay hạn mức tín dụng đặt ra để phù hợp kiểm soát lạm phát và sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm. Thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS, tổ chức, cá nhân khi tiếp cận tín dụng, NHNN tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Bên cạnh đó, NHNN khẳng định nguồn vốn chảy vào BĐS thời gian tới sẽ tập trung vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Còn phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường sẽ vẫn sẽ kiểm soát chặt rủi ro.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, TGĐ Vietcombank cho hay, tính đến hết năm 2022, dư nợ BĐS chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng BĐS tăng 17%. Do vậy ngân hàng đã không để lĩnh vực này thiếu room. Ông cũng khẳng định, trước đó không lâu, các ngân hàng thương mại lớn đã nhóm họp và thống nhất sẽ giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cho vay BĐS nói riêng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đã tóm tắt các kiến nghị của các doanh nghiệp để sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Về định hướng điều hành năm 2023, để thực hiện các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS và tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng và sẽ nghiên cứu lộ trình cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng và đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. NHNN cũng đã có một số yêu cầu chi tiết đối với các tố chức tín dụng để tháo gỡ các khó khăn cho thị trường BĐS. Thống đốc hy vọng Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng trong tháng 2 này sẽ có những quyết sách cụ thể hơn.